Thông tư 29/2023/TT-BYT: Quy định ghi giá trị dinh dưỡng trên nhãn Thực phẩm

Posted on Văn bản pháp luật
Thông tư 29/2023/TT-BYT có hiệu lực có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
Thông tư Quy định về nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn Thực phẩm.
Cụ thể nội dung của Thông tư 29/2023/TT-BYT, ISOHA xin mời Quý doanh nghiệp xem chi tiết bài viết dưới đây!
BỘ Y TẾ
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 29/2023/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, CÁCH GHI THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG, GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG TRÊN NHÃN THỰC PHẨM

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện đối với thực phẩm bao gói sẵn được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với nguyên liệu, thực phẩm sau đây:

a) Nguyên liệu, thực phẩm không bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm cả đá thực phẩm;

b) Thực phẩm có một thành phần nguyên liệu duy nhất;

c) Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (bao gồm cả loại chỉ bổ sung CO2 và/ hoặc hương liệu);

d) Muối thực phẩm, muối tinh;

đ) Giấm ăn và các chất thay thế cho giấm bao gồm cả loại chỉ bổ sung hương liệu;

e) Hương liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;

g) Men (enzym) thực phẩm;

h) Chè, cà phê không chứa thành phần bổ sung khác trừ phẩm màu, hương liệu;

i) Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

k) Đồ uống có cồn;

l) Thực phẩm quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây viết tắt là Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và thực phẩm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP);

m) Thực phẩm do cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sản xuất quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này tự nguyện ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa là thực phẩm (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân); các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Năng lượng (Energy) là năng lượng hóa học mà cơ thể con người thu được từ thực phẩm để duy trì sự sống, hoạt động và tăng trưởng, được tính bằng hệ số chuyển đổi năng lượng với các thành phần tạo ra năng lượng trong thực phẩm.
  2. Chất đạm (Protein) là hợp chất hữu cơ có chứa nitơ được cấu thành từ các axit amin, được tính theo quy ước bằng cách áp dụng các hệ số chuyển đổi các giá trị của nitơ hữu cơ có trong thực phẩm.
  3. Carbohydrat (Carbohydrate) là hợp chất của cacbon, oxy, hydro được sắp xếp dưới dạng đường đơn (monosaccarid) hoặc bội số của đường đơn và không bao gồm chất xơ.
  4. Đường tổng số (Total Sugars) là tổng lượng đường đơn, đường đôi có trong thực phẩm (bao gồm cả đường tự nhiên và đường cho thêm vào trong thực phẩm).
  5. Chất béo (Total Fat) là hợp chất hữu cơ không chứa nitơ, thành phần chính là triglycerid, các axit béo, cholesterol và phospholipid.
  6. Chất béo bão hòa (Saturated Fat) là một loại chất béo trong đó các chuỗi axit béo không có các liên kết đôi trong cấu trúc hóa học.
  7. Natri (Sodium) là khoáng chất kim loại kiềm, ký hiệu hoá học là Na, có trong các loại muối, gia vị và một số thực phẩm tự nhiên, phụ gia thực phẩm khác.
  8. Giá trị dinh dưỡng tham chiếu là giá trị số, được khuyến nghị cho người Việt Nam dựa trên dữ liệu khoa học về nhu cầu dinh dưỡng cơ thể cần ăn hằng ngày nhằm duy trì tình trạng dinh dưỡng tối ưu, giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.

Điều 4. Nguyên tắc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm

  1. Việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan.
  2. Bảo đảm chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm.
  3. Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ nhận biết, dễ hiểu và không tẩy xóa được.

Chương II: NỘI DUNG, CÁCH GHI THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG, GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG TRÊN NHÃN THỰC PHẨM

Điều 5. Nội dung ghi thành phần dinh dưỡng

1. Thực phẩm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam thực hiện ghi các thành phần dinh dưỡng sau đây:

a) Năng lượng;

b) Chất đạm;

c) Carbohydrat;

d) Chất béo;

đ) Natri.

2. Nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và thực phẩm cho thêm đường khác: thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng quy định tại khoản 1 Điều này và đường tổng số.

3. Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: thực hiện ghi 05 thành phần dinh dưỡng quy định tại khoản 1 Điều này và chất béo bão hoà.

4. Đối với thực phẩm không chứa hoặc có chứa thành phần dinh dưỡng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này thì không bắt buộc phải ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm.

Điều 6. Cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng

1. Thông tin về giá trị năng lượng được tính bằng ki-lô-ca-lo (kcal); thông tin về hàm lượng chất đạm, carbohydrat, chất béo, chất béo bão hòa, đường tổng số được tính bằng gam (g); thông tin về hàm lượng natri được tính bằng miligam (mg). Thông tin các thành phần dinh dưỡng được biểu thị trong 100g hoặc 100ml thực phẩm hoặc trong một khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn hoặc theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố.

2. Tổ chức, cá nhân có thể biểu thị thêm phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu đối với các thành phần dinh dưỡng quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện biểu thị thêm phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu thì thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Giá trị dinh dưỡng của các thành phần dinh dưỡng quy định tại Điều 5 Thông tư này phải được thể hiện bằng số, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, thông tin về giá trị dinh dưỡng theo quy định trên nhãn thực phẩm; thể hiện ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định và tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Giá trị khoảng dung sai của các thành phần dinh dưỡng quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Chương III: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

Điều 8. Lộ trình thực hiện

1. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2025, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư phải thực hiện việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định tại Thông tư này.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, các tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Quy định chuyển tiếp

Thực phẩm có nhãn chưa ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng theo quy định lại Thông tư này đã được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm đó.

Điều 10. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng, Vụ Sức khỏe bà mẹ – Trẻ em và các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

b) Cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng, Vụ Sức khỏe bà mẹ – Trẻ em căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của các Bộ quản lý chuyên ngành về thực phẩm theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tổ chức thực hiện Thông tư này.

c) Viện Dinh dưỡng có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát đề xuất việc sửa đổi, cập nhật giá trị dinh dưỡng tham chiếu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Pháp chế) để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
– Ủy ban Xã hội của Quốc hội (để giám sát);
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
– Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng thông tin ĐTCP);
– Bộ trưởng (để b/c);
– Các đồng chí Thứ trưởng;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
– Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ;
– Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố;
– Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, Bắc Ninh;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
– Lưu: VT, PC (03b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Đỗ Xuân Tuyên

PHỤ LỤC I: THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG KHÔNG BẮT BUỘC GHI TRÊN NHÃN THỰC PHẨM[1]

(Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2023/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

  1. Thành phần năng lượng có giá trị ≤ 4 kcal trên 100 ml (dạng lỏng).
  2. Thành phần chất đạm ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
  3. Thành phần Carbohydrat có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
  4. Thành phần chất béo có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc trên 100 ml (dạng lỏng).
  5. Thành phần chất béo bão hòa có giá trị ≤ 0,1 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc ≤ 0,1 g trên 100 ml (dạng lỏng).
  6. Thành phần đường tổng số có giá trị ≤ 0,5 g trên 100 g (dạng rắn) hoặc ≤ 0,5 g trên 100 ml (dạng lỏng).
  7. Thành phần natri có giá trị ≤ 0,005 g trên 100 g.

PHỤ LỤC II: GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG THAM CHIẾU

(Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2023/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

STT Thành phần dinh dưỡng Đơn vị đo lường Giá trị dinh dưỡng tham chiếu Cơ sở đề xuất
1 Năng lượng Kcal 2000 Dựa trên nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam, số liệu khẩu phần ăn từ Tổng điều tra Quốc gia về dinh dưỡng
2 Chất đạm g 50 Theo khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex)
3 Carbohydrat g 325 Dựa trên nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam
4 Đường tổng số g Chưa khuyến nghị giá trị dinh dưỡng tham chiếu
5 Chất béo, trong đó: Chất béo bão hòa g

g

56

20

Chất béo: Dựa trên nghiên cứu và tính toán từ nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam, khẩu phần chất béo chỉ nên cung cấp tối đa 25% tổng năng lượng khẩu phần;

Chất béo bão hòa: Theo khuyến cáo của Codex

6 Natri mg 2000 Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khuyến cáo của Codex

[1] Phụ lục này chỉ để xác định việc không bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và không sử dụng cho các mục đích khác.

5/5
CÔNG TY TNHH TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG ISOHA
Địa chỉ: 188/24 Tân Kỳ Tân Quý, Phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0909 384 449 (Zalo) - 0902 569 328
Email: hotro@tuvanisoha.com
ISOHA - Thành công cùng ĐỐI TÁC
Hãy để sự CHUYÊN NGHIỆP của chúng tôi đồng hành cùng THÀNH CÔNG của bạn!
Có thể bạn quan tâm